Vòng tránh thai
Ưu và nhược điểm
Hiện nay việc sử dụng dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) là một biện pháp tránh thai khá phổ biến và tiện dụng, đặc biệt mang lại hiệu quả tránh thai cao (tới 99%). Tuy nhiên, việc đặt vòng tránh thai không thể tùy tiện mà phải tuân theo chỉ dẫn của các bác sỹ vì vòng tránh thai là một biện pháp tránh thai rất "kén" người sử dụng.
Tránh thai bằng vòng tránh thai
Vòng tránh thai vốn là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa được đặt vào tử cung. Gọi là “vòng” vì mấy chục năm trước ta dùng loại có hình tròn như cái nhẫn hay hình bánh xe, nhưng thật ra đó là một mảnh nhựa nhỏ, có nhiều loại như hình chữ T, hình chữ S… Thông dụng nhất hiện nay phải kể đến vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Đuôi vòng có hai dây nhỏ thò ra âm đạo độ 2 - 3 cm, giúp kiểm tra vòng còn ở đúng vị trí hay không.
Vòng này làm cho tinh trùng không thể đi vào lòng tử cung để gặp trứng bằng cách thay đổi môi trường của nội mạc tử cung, ngăn không cho trứng làm tổ ở đây. Nó thường chỉ dành cho những người đã có một con vì cổ tử cung lúc này đã mở rộng, đưa vòng vào sẽ ít đau hơn.
Việc đặt vòng có thể đạt hiệu quả tránh thai khá cao, vào khoảng 98%. Thời giai tránh thai tùy thuộc vào loại vòng. Với vòng Tcu 380, hiệu quả tránh thai là 8 - 10 năm, còn với loại vòng Multiload, con số là 5 - 6 năm. Những ngày mới đặt, chị em phụ nữ có thể cảm thấy hơi vướng víu chút ít, nhưng dần dần khi quen, cảm giác ấy cũng sẽ qua mau. Riêng với đàn ông, đa số đều không có cảm giác gì về sự hiện diện của vòng tránh thai.
Nhược điểm và các tác dụng phụ
Nhược điểm lớn nhất của vòng tránh thai là nguy cơ viêm vùng chậu, hiếm muộn, thai ngoài tử cung và tụt vòng. Theo những nghiên cứu gần đây, với việc sử dụng vòng tránh thai hiện đại, thao tác vô trùng, nguy cơ viêm vùng chậu là rất thấp (nếu đặt vòng tránh thai đúng kỹ thuật, tỷ lệ tụt vòng trong 6 tháng đầu chỉ khoảng 3%), chủ yếu xảy ra ở những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc đang mắc các bệnh này ở thời điểm đặt vòng tránh thai. Điều này sẽ được giảm thiểu nhờ việc sàng lọc đối tượng thích hợp. Mặc dù vòng tránh thai có tác dụng tốt để ngăn cản thai trong tử cung, nhưng nếu một người đang đặt vòng tránh thai mà mang thai thì khả năng thai ngoài tử cung sẽ cao hơn so với người không áp dụng biện pháp tránh thai nào.
Vòng tránh thai có những ưu điểm rõ rệt, như làm giảm lượng máu mất khi hành kinh, giảm đau bụng kinh, giảm xuất hiện và phát triển u xơ tử cung - một hiệu quả có được nhờ tác dụng của progesterone, giảm nguy cơ viêm vùng chậu và thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, sự hiện diện của progesterone cũng sẽ gây ra những tác dụng phụ như nhức đầu, buồn nôn, đau vú, rậm lông, mụn trứng cá, tăng tỷ lệ xuất hiện các nang chức năng của buồng trứng, rong huyết kéo dài, vô kinh, thiểu kinh (tương tự như tác dụng phụ của que cấy tránh thai).
Những trường hợp chống chỉ định
Cần lưu ý, phương pháp này rất “kén” người sử dụng. Nếu bạn rơi vào một trong những trường hợp sau thì nên lựa chọn một cách thức tránh thai khác:
• Có thai hoặc nghi ngờ có thai.
• Sau phá thai nhiễm trùng.
• Đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hoặc mắc các bệnh này trong vòng ba tháng trước đây.
• Viêm cổ tử cung mủ nhầy.
• Bệnh lý ác tính đường sinh dục.
• Dị tật bẩm sinh ở tử cung hay u xơ làm biến dạng lòng tử cung.
• Thăm khám phụ khoa và khám toàn thân (khám bụng, khám vú, khám hệ thống hạch...)
• Lao vùng chậu.
• Xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị.
• Đối với dụng cụ tử cung phóng thích nội tiết, chống chỉ định trong trường hợp ung thư vú.
Đặc biệt, các bác sỹ thường không muốn đặt vòng cho người chưa có con vì viêm âm đạo là một bệnh khá phổ biến. Họ sợ bạn không may bị các vi khuẩn gây viêm lan lên ống dẫn trứng, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đặt vòng dưới sự theo dõi cẩn thận của bác sỹ.
Khắc phục những tác động tiêu cực của vòng tránh thai
Bạn không hợp hoặc bị dị ứng với vòng tránh thai, nó sẽ khiến bạn đau bụng, đau lưng hoặc ra máu kinh nhiều, thậm chí gây thiếu máu.
Thêm nữa, nếu bạn bị viêm nhiễm đường sinh dục thì viêm nhiễm có thể theo vòng lan lên trên, gây viêm phần phụ và có thể gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung. Theo số liệu điều tra của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có từ 2,5 - 3% số phụ nữ do đặt vòng mà bị nhiễm trùng đường sinh dục, trong đó 1,5 - 2% là nhiễm trùng ở dạng nhẹ, không gây hậu quả gì đáng kể nhưng 1% đã buộc phải tháo bỏ vòng.
Do đó, nếu trong thời gian mang vòng mà thấy có triệu chứng viêm nhiễm như dịch âm đạo vàng, xanh, ra nhiều, mùi hôi khó chịu, âm hộ ngứa ngáy, bạn hãy đi khám ngay để được chữa trị. Khi điều trị, cán bộ y tế có thể tạm tháo vòng, trong thời gian đó, bạn hãy sử dụng một biện pháp tránh thai khác.