Các câu hỏi thường gặp

Bác sĩ Song Hà trả lời Sức Sống Mới, về đau lưng sau khi sanh

 

- Tôi có một người bạn, chị ấy sinh cháu được hơn 2 tháng rồi mà cái vết rạch và khâu đấy vẫn bị nhiễm trùng, vẫn thấy đau, rỉ nước, vậy phải điều trị như thế nào? Uống thuốc gì là tốt nhất, và vệ sinh như thế nào cho hợp lý? (Chu Huyền, 31 tuổi, Quảng Ninh)

Chào bạn, thông thường vết rạch và khâu ở tầng sinh môn sẽ lành khoảng 15 ngày sau sinh. Trường hợp 2 tháng vẫn còn nhiễm trùng và đau là không bình thường. Bạn nên đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa sản để được điều trị đúng mức. Sau sinh, nhất là người có cắt khâu tầng sinh môn, phải giữ âm hộ luôn sạch và khô.

________________________________

- Cháu sinh em bé đã hơn một năm. Từ ngày sanh cháu rất gầy và yếu, 3 tháng đầu tiên được mẹ chồng cho ăn toàn thịt lợn và thi thoảng một bữa thịt gà. Bà nói ăn những thứ khác sợ con đi ngoài và mẹ bị sản hậu. Đến khi cháu đi làm các chị cùng cơ quan nói cháu ăn như vậy là thiếu chất, thế là cháu ăn hết không kiêng khem gì nữa. Tuy đã 7 tháng nhưng cháu rất gầy. Cháu được một số người nói cháu bị sản mòn (sản hậu mòn héo). (Đỗ Thị Thảo, 28 tuổi, Hà Nội)

Chào bạn, các bạn làm cùng cơ quan với bạn nói đúng đấy! Sau khi sinh, sản phụ cần được ăn đầy đủ các nhóm bột, đường, đạm, chất béo, nhất là rau xanh và các loại quả. Nếu chỉ ăn toàn thịt thì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn dinh dưỡng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây ảnh hưởng không tốt đối với cháu bé sơ sinh. Nếu bạn quá gầy một cách bất thường, bạn nên đến khám ở một bác sĩ hoặc 1 cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. 
Trong khoa học không có chứng bệnh sản mòn. Có một loại bệnh làm cho sản phụ sau sinh bị gầy, yếu, vô kinh, rụng lông - tóc và không có sữa cho con bú. Nguyên nhân do mẹ bị băng huyết nặng sau sinh. Rất mong bạn không rơi vào trường hợp này.

________________________________

- Cháu nay đã sanh được 5 tuần nhưng vẫn ra máu. Khoảng 3 tuần cháu ra máu rất ít rồi lại ra nhiều đến gần 4 tuần thì gần như không còn, nhưng 2 ngày nay cháu ra rất nhiều máu lúc đỏ tươi lúc đen sẫm, cháu không bị đau bụng hay sốt chỉ rất hay chóng mặt nếu ngồi lâu. Cháu sanh thường, con rạ, nhưng lần trước cũng chỉ 3 tuần là hết, xin bác sĩ tư vấn giúp ra máu đó có phải là sản dịch không? Cách thức điều trị? (Hồng, 31 tuổi, TP HCM)

Chào bạn, sau khi sinh, một sản phụ thường ra sản dịch nhiều trong vòng 10 ngày đầu. Tuần lễ đầu, sản dịch màu đỏ lẫn chất nhầy, sau đó, sản dịch nhợt dần đi, nhiều chất nhầy màu trắng trong hay hơi đục. Dù mới sinh hay ở những ngày về sau, sản dịch bình thường không có mùi hôi. Tử cung co hồi dần, 10 ngày sau sinh đáy tử cung xuống thấp, nằm giữa khoảng từ rốn đến xương mu.

Bạn ra máu 3 tuần, lượng máu ít, trường hợp này gần như bình thường. Tuy nhiên, 2 ngày vừa qua lại ra máu nhiều lúc đỏ tươi lúc đen sẫm là không bình thường. Xin hỏi thêm bạn có cho con bú mẹ hoàn toàn hay không. Nếu bạn cho cháu bú dặm thì có thể bạn đã hành kinh trở lại. Nếu bạn cho cháu bú mẹ hoàn toàn, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân tại sao máu ra nhiều như vậy. 

________________________________

- Cháu gái em vừa mới sanh được 20 ngày. 15 ngày mới rụng cuống rốn nhưng vẫn chưa khô, có nước vàng rỉ ra. Cho em hỏi phải làm thế nào? (Trần Hồng Duyên, 27 tuổi, ODC TRAVEL 65 Ly Nam De)

Chào bạn, điều bạn cần làm là đưa cháu đi khám ở bệnh viện mà bạn đã sinh cháu. Hiện nay, theo Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta không nên băng rốn quá chặt và quá dày cho các cháu sơ sinh, nhất là ở những nước nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới như VN. Bởi vì băng rốn quá chặt, quá dày sẽ làm rốn chậm rụng và rỉ nước vàng giống như nhiễm trùng. Quan điểm hiện nay về chăm sóc rốn sơ sinh là giữ rốn khô, thoáng bằng cách đắp nhẹ miếng gạc mỏng, tránh để nước tiểu của cháu làm ướt rốn. Mỗi ngày cần thay băng rốn sau khi lau phần cuống rốn bằng nước sạch đã đun sôi để nguội.

- Em đang chuẩn bị sanh em bé thứ 2, bé lớn nhà em vừa được 2 tuổi. Hồi sanh cháu lớn em có dùng phương pháp gây mê tủy sống để đẻ không đau nhưng có một số người bảo phương pháp này gây mất sữa (thực tế là từ khi em bé được 4 tháng em cũng bị mất sữa nên cháu phải uống sữa ngoài). Bây giờ sanh cháu thứ 2 em rất băn khoăn không biết có nên sử dụng biện pháp giảm đau này nữa không? (Nhật Anh, 32 tuổi, TP HCM)

Phương pháp gây tê quanh màng cứng của tủy sống để giảm đau trong khi sinh đã và đang được hàng triệu bệnh viện sản trên thế giới áp dụng. Phương pháp này không gây mất sữa. Việc bạn mất sữa khi cháu bé được 4 tháng có lẽ là do một nguyên nhân nào khác.

Lần sinh này, bạn cứ sử dụng biện pháp giảm đau này vì nó giúp cho sản phụ không có cảm giác quá sợ hãi khi sinh con. Bạn nên cho con bú khoảng nửa giờ sau sinh, khi bạn không còn mệt mỏi nữa. Bạn càng cho cháu bé nút vú mẹ thì sữa càng được tiết ra nhiều và nhanh. Bạn cần nhớ không nên lo lắng, sợ mình bị mất sữa. Chính những lo lắng, suy nghĩ căng thẳng mới dễ làm cho các sản phụ bị mất sữa. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, không có phụ nữ nào không đủ sữa cho con bú, ít ra là trong 4 tháng đầu tiên sau sinh.

________________________________

- Cháu đã sanh được hơn 1 tháng, khi mang thai cháu chăm chỉ uống Similac Mom nhưng sau khi sinh đến giờ cháu vẫn tăng 7 kg. Người thân khuyên cháu vẫn nên uống sữa này vì cháu đang cho con bú, nhưng cháu rất lo đã mập mà uống sẽ càng mập thêm. Xin cho cháu lời khuyên ạ? (Thanh Vân, 26 tuổi, TP HCM)

Xin khẳng định với bạn uống Similac Mom không làm tăng hoặc giảm trọng lượng cơ thể như bạn lo lắng. Loại sữa này có đủ các dưỡng chất để cháu bé phát triển tốt. Mẹ uống sữa rồi cho con bú thì cháu bé sẽ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và não bộ. Cho con bú sữa mẹ cũng là một biện pháp tốt để làm giảm bớt lượng chất béo trong cơ thể của người mẹ.

________________________________

- Sau khi sanh bé đầu, tôi bị bí tiểu, mỗi lần đi tiểu rất khó khăn và phải gắng sức rặn, rất mất sức. Tôi đang lo lắng liệu lần sanh này tôi có bị lại hiện tượng này không? Nếu bị tiểu khó sau khi thì tôi cần làm gì? Uống thuốc gì? Lần trước tôi cũng đã thử chườm nước ấm, mở vòi nước róc rách nhưng không hiệu quả. Cám ơn bác sĩ. (Quỳnh Hoa, 30 tuổi, Quang Nam)

Chứng bí tiểu sau sinh là do niệu đạo phù nề vì đầu thai chèn ép trong thời gian khá lâu khi người mẹ chuyển dạ và sổ thai kéo dài. Có thể điều trị bí tiểu sau sinh bằng cách:

Đặt ống thông tiểu trong 3 ngày, kẹp đầu ống để giữ nước tiểu ở bàng quang trong 4 giờ hoặc đến khi sản phụ có cảm giác bàng quang căng cứng, mở ống để nước tiểu chảy ra rồi kẹp trở lại. Phương pháp này được gọi là luyện tập cơ bàng quang. Vấn đề cần quan tâm là ống thông tiểu phải sạch để sản phụ không bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu sau này.

Trong bệnh viện, có sự theo dõi cẩn thận, nếu sản phụ không có tiền căn viêm loét dạ dày, các bác sĩ có thể cho sử dụng corticoids và kháng sinh để làm giảm phù nề.

________________________________

- Các sản phụ sau khi sanh thường bị táo bón, cách chữa trị như thế nào? (Nguyễn Thái Hà, 34 tuổi, 16 Quang Trung, P10, Gò Vấp, TP HCM)

Chào bạn, cách điều trị và dự phòng táo bón sau sinh gồm có: 
Có chế độ ăn uống đúng (thức ăn đủ các nhóm: bột, đường, đạm, béo, rau và trái cây). Không nên chỉ ăn những thức ăn khô như cá, giò lụa, thịt kho tiêu... mà phải ăn canh. 
Uống nhiều nước hoặc sữa (loại ít chất béo, không đường, có nhiều chất xơ). 
Tập thể dục hoặc nịt bụng vì sau khi sinh tử cung nhỏ lại, ổ bụng lỏng lẻo, áp lực trên các quai ruột giảm gây táo bón. Nịt bụng và tập thể dục để cơ thành bụng săn chắc lại một cách nhanh chóng sẽ làm cho áp lực ổ bụng trở lại bình thường giúp giảm táo bón.

- Sau khi sanh thường và mổ thì bao lâu 2 vợ chồng mới quan hệ lại là tốt cho người mẹ. Trong thời gian cho con bú không có kinh sao nhiều người xung quanh tôi lại "dính", mà trước đó họ được bác sỹ bảo là an tòan. (T.T.T.T, 28 tuổi, quận 7, HCM)

Sau sinh hoặc sau mổ lấy thai, sản phụ có thể quan hệ bình thường trở lại với chồng khi cơ quan sinh dục không còn cảm giác đau, miễn là giữ vệ sinh tốt trước và sau quan hệ. Trong thời gian cho con bú không có kinh nhưng có thể có rụng trứng nên bạn vẫn có thể có thai. Bạn chỉ an toàn trong 6 tháng đầu tiên, khi bạn cho con bú hoàn toàn (không cho bé bú dặm).

________________________________

- Cháu nghe nói sau khi sinh lần 2 dẫn đến tình trạng âm đạo bị rộng ra . Cháu sợ chồng cháu lâu ngày sẽ chán nên định sau khi sinh lần này sẽ làm phẫu thuật thu hẹp âm đạo trong lúc sinh luôn để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Như vậy có ảnh hưởng gì ko Cô? Hay là cháu nên đợi sinh xong một thời gian để hồi phục? (Hà Thanh Ngoc, 31 tuổi, Thành Công- Hà nội)

Khi sinh con, đầu thai nhi phải đi qua âm đạo của mẹ để sổ ra ngoài. Đầu thai nhi to, nong âm đạo và âm hộ giãn rộng nên sẽ dẫn đến việc giảm bớt cảm xúc khi quan hệ, nhất là đối với người chồng. Trong thời đại hiện nay, chúng ta thấy có một số hoàn cảnh chồng chán vợ vì chuyện này. Trước đây, ông bà ta có nhiều con, nhưng có mấy ai chán vợ vì âm hộ, âm đạo giãn rộng đâu. Bạn có ý định khâu lại âm đạo và tầng sinh môn để đảm bảo hạnh phúc gia đình là tốt. Thời điểm khâu tốt nhất là sau khi sinh khoảng 6-8 tuần (lúc này các mô ở tầng sinh môn đã rắn chắc nên lành nhanh sau khi khâu).

Bs. Nguyễn Thị Song Hà

 

Placeholder image