Tinh dịch đồ

Tinh dịch đồ là một trong những xét nghiệm cơ bản nhất và không thể thiếu khi thăm khám một cặp vợ chồng vô sinh.

Thông qua tinh dịch đồ, người ta có thể đánh giá sơ bộ khả năng sinh của người chồng, hướng tới những xét nghiệm cần làm tiếp theo và đưa ra phương cách điều trị.

Hiện nay, một số trung tâm sử dụng các phương pháp phân tích tinh dịch đồ với sự hỗ trợ của vi tính (CASA: Computer – Aided Semen Analysis). Tuy nhiên, với những tiêu chuẩn được Tổ chức Y tế Thế giới đề ra vào năm 1993, phương pháp soi dưới kính hiển vi truyền thống vẫn được đại đa số công nhận và sử dụng rộng rãi với độ chính xác tương đối cao.

Quá trình sinh tinh trùng
Tinh trùng được tạo ra từ các tế bào sinh tinh, nằm trong các ống sinh tinh thuộc 2 tinh hoàn. Sau khi được hình thành tinh trùng sẽ di chuyển vào mào tinh. Chính tại đây, quá trình trưởng thành của tinh trùng sẽ được hoàn tất. Tinh trùng từ khi được sinh ra cho đến khi trưởng thành hoàn toàn cần một khoảng thời gian từ 10 – 12 tuần.

Dịch mỗi khi xuất tinh bao gồm tinh trùng và tinh dịch. Tinh dịch là các chất tiết từ tuyến tiền liệt ( 1/3 thể tích) và từ túi tinh (chiếm 2/3 còn lại).

Chỉ cần có một bất thường nào trong quá trình sinh tinh hay của các tuyến nêu trên cũng làm ảnh hưởng đến kết quả tinh dịch đồ.

Phân tích một mẫu tinh dịch
Để không làm ảnh hưởng đến kết quả, mẫu thử cần được lấy đúng cách, mẫu thử sau khi đem đến phòng xét nghiệmsẽ được đánh giá về đại thể (quan sát bằng mắt thường) cũng như vi thể (quan sát dưới kính hiển vi).

Quan sát đại thể
Mẫu tinh dịch khi được đưa vào phòng xét nghiệm sẽ được đặt trong tủ ấm để đánh giá sự ly giải (liquefaction). Bình thường mẫu sẽ ly giải hoàn toàn sau khoảng 15 – 20 phút. Nếu mẫu thử không ly giải hay ly giải không hoàn toàn, có thể nghi ngờ đến bất thường ở tiền liệt tuyến ( thường gặp nhất là viêm tiền liệt tuyến).

Sau khi mẫu đã hóa lỏng, người ta sẽ đánh giá tiếp các yếu tố khác, bao gồm thể tích và màu sắc tinh dịch. Bình thường tinh dịch có màu trắng xám, hơi đục và đồng nhất. Nếu tinh dịch có màu vàng thì có thể do lẫn nước tiểu trong quá trình lấy mẫu hay do nhiễn trùng. Những mẫu tinh dịch trong và loãng thường có tinh trùng ít hay thậm chí không có tinh trùng.

Những bất thường về thể tích tinh dịch cũng có thể gợi ý đến một số nguyên nhân bất thường. Trung bình, thể tích mỗi lần xuất tinh của người đàn ông khoảng trên 2ml.

Ngoài ra, mẫu tinh dịch còn dược đánh giá độ pH. Thông thường tinh dịch có tính kiềm, với pH dao động trong khoảng 7,2 – 8,4. Trong những trường hợp không có tinh trùng kèm theo mẫu thử có pH 7, nguyên nhân có thể là do tắc ống dẫn tinh.

Thể tích: Nguyên nhân

V= 0/: vài giọt Không phóng tinh

...........Xuất tinh ngược dòng

V< 2ml Giảm tiết dịch từ các tuyến
...........Lần xuất tinh trước quá gần

V> 6ml Kiêng giao hợp quá lâu
...........Viêm túi tinh, tuyến tiền liệt

Mẫu thử sau khi được đánh giá đại thể sẽ được quan sát dưới kính hiển vi (vi thể)

tinh dich do

Vi thể
Mẫu thử được đánh giá độ di động, số lượng tinh trùng/ ml tinh dịch, tỷ lệ sống chết, sự hiện diện của bạch cầu và tỷ lệ tinh trùng có hình dạng bình thường.

Độ di động của tinh trùng sẽ được đánh giá dưới vật kính 40X. Tùy theo tốc độ di chuyển, người ta chia tinh trùng thành 4 nhóm:

  • A: tinh trùng di động tiến tới, nhanh
  • B: tinh trùng di động tiến tới, chậm
  • C: tinh trùng di động tại chỗ
  • D: tinh trùng không di động

Để tính số lượng tinh trùng trong một ml tinh dịch, sau khi pha loãng tinh dịch với tỷ lệ thích hợp và làm tinh trùng bất động, người ta sử dụng một buồng đếm, bên trong có chia nhiều ô nhỏ.

Hình dạng tinh trùng sẽ được quan sát ở vật kính 100X, sau khi được nhuộm bằng phương pháp đặc biệt (Papanicolaou). Các bất thường có thể xuất hiện ở đầu, cồ hay đuôi của tinh trùng.

Một số giá trị bình thường của tinh dịch đồ
(Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới 1999)

Thể tích tinh dịch ≥2ml

Mật độ =20 triệu tinh trùng/ ml

Độ di động A ≥25%

hoặc A+B ≥50%

Hình dạng bình thường ≥30%

Tỷ lệ tinh trùng sống ≥75%

Tỷ lệ bạch cầu < 1 triệu con/ ml

Placeholder image