Các câu hỏi thường gặp

- Bạn tôi vừa sinh em bé được 20 ngày tuổi, có đủ sữa cho con bú nhưng mẹ chồng thường xuyên cho bé ăn nước cháo. Hôm qua bác còn ngâm gạo với muối rồi nấu cháo; bạn tôi thấy em bé đi phân lỏng. Có phải do mẹ bạn tôi đã ngâm gạo với muối mặn không ? Cho bé ăn nước cháo khi có đủ sữa mẹ có sai không ? (Từ Thị Vân Anh, 25 tuổi, Làocai)

Các cháu sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu tiên. Cho bú nước cháo hay ăn cháo trong thời gian này là sai vì cơ quan tiêu hóa của bé chưa hoạt động đủ để hấp thụ các thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Đây có thể là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy. Bạn chỉ nên cho cháu bắt đầu ăn dặm sau 4 tháng. Thức ăn của cháu lúc này phải được xay nhuyễn, gồm cả gạo hay bột, rau, thịt hoặc lòng đỏ trứng.

________________________________

- Tôi đã sinh được 2 tháng, tăng cân 7 kg, cố gắng tẩm bổ nhiều chất dinh dưỡng để tốt cho con bú. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn có những triệu chứng khó chịu như buồn nôn, chóng mặt và đau lưng. Xin bác sỹ cho biết lý do tại sao? (Thu Hà, 31 tuổi, Quảng Ninh)

Theo WHO và Viện Dinh dưỡng Quốc gia VN, khoảng trên 30-50% sản phụ bị thiếu máu, thiếu sắt khi mang thai và sinh nở. Chỉ có khoảng 40% phụ nữ mang thai có đủ dự trữ sắt cần thiết là trên 500 mg sắt nguyên tố. Tăng cân chưa phải là dấu hiệu dinh dưỡng đủ và đúng, cố gắng tẩm bổ trong khoảng thời gian ngắn cũng chưa đủ hiệu quả xóa bỏ tình trạng thiếu máu thiếu sắt. 
Tôi chưa biết tình trạng cụ thể của bạn trước, trong thai kỳ và sau khi sinh nên chưa thể nói rõ lý do của các triệu chứng bạn nêu. Bạn cần đến bệnh viện sản để khám và được điều trị.

________________________________

- Sinh xong, em được tư vấn giữ sức khỏe và vệ sinh sạch sẽ trong thời gian hậu sản. Nhưng mẹ chồng em lại yêu cầu khác hẳn. Phòng em và bé kín mít, ngày 3 lần nồng nặc khói. Cả 25 ngày trong tháng đầu tiên, ngày nào cũng xông muối, xông lá, xông than, đốt bồ kết... Khói tỏa ra rất nhiều. Cả tháng em không được phép tắm, gội. Xin giúp em. (Giang, 27 tuổi, Hà Tĩnh)

Có nhiều thói quen chưa khoa học mà ông bà ta đã áp dụng cho thời kỳ hậu sản. Ngày nay, khoa học chứng minh:

  • Cần phải tắm rửa mỗi ngày để tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bảo vệ sức khỏe bà mẹ thì mới có thể mang thai và sinh con lần sau được dễ dàng.
  • Phòng của mẹ và bé cần thoáng khí, có ánh nắng mặt trời để diệt vi khuẩn trong không khí. Chẳng hạn trong dịch SARS, VN đã có kinh nghiệm tốt phổ biến cho các nước là không đóng kín cửa phòng mà mở toang cửa để đón ánh nắng mặt trời nhằm tiêu diệt các siêu vi khuẩn nên đã thành công hơn các nước trong phòng chống dịch SARS.
  • Khi đốt lò than, xông lá... khói tỏa ra khắp phòng mà cửa lại đóng kín thì rất có hại cho cả mẹ và bé. Khói có chứa nhiều oxyt carbon, khi vào phổi sẽ chui vào hồng cầu của bé, làm giảm khả năng tải oxy đến các cơ quan trong cơ thể, khiến não, tim, thận của bé thiếu oxy, có thể nguy hiểm cho tính mạng của bé.

________________________________

- Tôi thấy các sách về chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé dùng khái niệm "sản phụ" để chỉ phụ nữ sau khi sinh nhưng chưa thấy nói cụ thể khi nào thì hết được coi là "sản phụ". Vì vậy nhiều phụ nữ sau sinh và cả bản thân tôi khi muốn thực hiện theo việc kiêng cữ, ăn uống, vệ sinh cá nhân... rất phân vân không biết theo chế độ "sản phụ" lâu quá hay chưa đủ có ảnh hưởng gì tới sức khỏe? Xin BS cho lời khuyên. (Hoang Kim Thanh, 30 tuổi, Ha Noi)

- Sau khi sinh 6 tuần lễ, cơ thể của người phụ nữ trở lại gần như trước khi mang thai. Do đó, thời gian hậu sản theo quy định là 6 tuần. Gần đây người ta thấy rõ, cần một thời gian dài hơn để người phụ nữ trở lại như trước. Tuy nhiên việc kiêng cữ, ăn uống, vệ sinh cá nhân... hoàn toàn không lệ thuộc vào thời gian hậu sản. Bạn có thể tắm trong ngày đầu tiên sau khi sinh như tất cả những sản phụ khác trên thế giới, miễn là không tắm quá lâu hoặc tắm ở nơi trống trải có gió lùa, nên tắm bằng nước ấm. Vấn đề ăn uống cũng vậy, sản phụ cần ăn đủ chất, có cả canh, rau củ, trái cây. Không nhất thiết phải chờ đến thời gian hậu sản mới được ăn những món này.

Bs. Nguyễn Thị Song Hàhoi dap me va be

 

Placeholder image