Các yếu tố ảnh hưởng kết quả điều trị vô sinh bằng IUI
Kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là một kỹ thuật quan trọng trong điều trị vô sinh tại Việt Nam vì các lý do: đơn giản, rẻ tiền, dễ áp dụng, ít tai biến.
Vì vậy, hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật IUI là phương pháp có thể áp dụng rộng rãi cho hầu hết các cặp vợ chồng hiếm muộn-vô sinh có thu nhập thấp tại Việt Nam trước khi quyết định làm thụ tinh ống nghiệm.
Theo báo cáo trên thế giới tỷ lệ thành công IUI khoảng 8-22%. Nghiên cứu tại khoa Hiếm-Muộn bệnh viện Từ Dũ năm 2002, tỷ lệ thành công khoảng 20-21% Tỷ lệ thành công này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tuổi người phụ nữ
Khả năng sinh sản của người phụ nữ giảm dần theo tuổi, theo sinh lý sinh sản, khả năng mang thai của phụ nữ cao nhất trong khỏang 20 – 30 tuổi, sau đó khả năng sinh sản giảm dần, đặc biệt sau 45 tuổi tỷ lệ có thai khỏang 4,1%. Ngoài ra, các tai biến khi mang thai và sinh đẻ tăng cao hơn, tỷ lệ sẩy thai và trẻ sinh ra bị dị tật cao hơn hẳn ở những phụ nữ trên 40 tuổi %. Người ta thấy rằng khả năng có thai giảm và tỷ lệ bất thường của trẻ tăng ở những phụ nữ lớn tuổi chủ yếu là do sự suy giảm chức năng của buồng trứng theo thời gian.
Nghiên cứu kết quả điều trị bằng phương pháp IUI tại khoa Hiếm Muộn Từ Dũ năm 2001 cho thấy tỷ lệ có thai cao nhất ở những người dưới 25 tuổi 24% và giảm còn 3,8% ở những người trên 40 tuổi (sức khoẻ sinh sản số 2 năm 2002).
Do đó để tiết kiệm kinh phí, thời gian và tâm huyết của các cặp vợ chồng, các bás sĩ chuyên khoa về Hiếm muộn vô sinh nên tham vấn khả năng thành công thấp đối với những cặp vợ chồng trên 40 tuổi, đồng thời nên lựa chọn phương pháp hỗ trợ sinh sản khác cho tỷ lệ thành công cao hơn.
Thời gian vô sinh
Vô sinh hay hiếm muộn là tình trạng một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, sống chung với nhau và không áp dụng một biện pháp tránh thai nào vẫn không có con sau một năm nếu vợ từ 35 tuổi trở xuống hoặc sau 6 tháng nếu trên 35 tuổi.
Nghiên cứu của Brzechffa cho thấy thời gian hiếm muộn vô sinh càng lâu thì khả năng điều trị IUI càng giảm, cao nhất khi thời gian vô sinh dưới 2 năm và giảm một cách rõ rệt sau 6 năm chung sống vẫn chưa có con. Vì vậy, các cặp vợ chồng sau một năm chung sống không áp dụng biện pháp ngừa thai vẫn chưa có con, nên đến bác sĩ chuyên khoa về hiếm muộn-vô sinh để được chẩn đoán và điều trị.
Bệnh lý lạc nội mạc tử cung
LNMTC là bệnh lý tuy không nguy hiểm nhưng có thể đưa đến tình trạng vô sinh cho người bệnh vì LNMTC gây gây tổn thương vòi trứng, phá huỷ nhu mô buồng trứng, viêm dính vùng chậu. Vì vậy LNMTC thường có tiên lượng đều trị thấp. Một số tác giả Một số tác giả cho rằng tỷ lệ có thai sau IUI là 6,5% ở những người bị lạc nội mạc tử cung, trong khi những phụ nữ chưa từng bị bệnh lý này là 16%. Như vậy TTON là lựa chọn ưu tiên ở những bệnh nhân LNMTC.
Phác đồ kích thích buồng trứng, số lượng nang noãn và độ dày nội mạc tử cung
Chất lượng nang noãn cũng như độ dày nội mạc tử cung giữ vai trò rất quan trọng, điều này có liên hệ mật thiết với thuốc được sử dụng để kích thích buồng trứng Ngiên cứu tại bệnh viện Từ Dũ năm 2002, tỷ lệ thành công dao động 8-26% khi tiến hành kích thích buồng trứng bằng Clomiphene Citrate và 9-33% khi sử dụng FSH tái tổ hợp.
Ngoài ra số lượng nang noãn trưởng thành vào ngày cho hCG (kích thích rụng trứng) cũng có liên quan đặc biệt đến tỷ lệ thành công của phương pháp IUI, tỷ lệ có thai cao nhất khi có từ 3 nang noãn trưởng thành trở lên vào ngày cho hCG và thấp nhất khi chỉ có 1 nang noãn trưởng thành.
Đặc biệt, nội mạc tử cung là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng làm tổ của phôi, tỷ lệ thành công giảm hẳn khi nội mạc tử cung dưới 7 mm và hầu như không có trường hợp có thai nào khi nội mạc tử cung dưới 6 mm.
Chất lượng tinh trùng
Phương pháp IUI được áp dụng từ những năm 1957 nhưng tiêu chuẩn về chất lượng tinh trùng trước khi tiến hành IUI vẫn chưa được xáx định rõ. Trong nghiên cứu của Calleri LF tiến hành năm 2001 xác định khả năng có thai chỉ có thể có khi mật độ tinh trùng từ 10 triệu đến 20 triệu. Ngoài mật độ tinh trùng, độ di động của tinh trùng cũng góp phần không kém vào kết quả thành công của IUI. Theo Richard P. Dickey, tỉ lệ tinh trùng di động trên 30% thì tỉ lệ thành công của IUI rất cao. Ngoài ra, ông còn nhận thấy nếu tỉ lệ tinh trùng di động dưới 17% thì tỉ lệ có thai rất thấp.
Phương pháp IUI thật sự có hiệu quả trong những trường hợp thiểu năng tinh trùng nhẹ với mật độ trên 20 triệu và tỷ lệ di động trên 30%; số tinh trùng di động sau lọc rửa trên 5 triệu. Đặc biệt, nghiên cứu trên thế giới cũng như tại khoa Hiếm Muộn Từ Dũ chưa có trường hợp nào có thai với tổng số tinh trùng di động trong mẫu sau lọc rửa dưới 1 triệu.
Tóm lại:
Khả năng thàng công của phương pháp IUI tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, tuổi người vợ, thời gian vô sinh, bệnh lý đi kèm, thuốc sử dụng, cũng như chất lượng tinh trùng của người chồng. Do đó, cần nắm rõ các yếu tố liên quan đến thành công của phương pháp can thiệp hầu giúp các cặp vợ chồng có được những thông tin cần thiết cũng như lực chọn giải pháp điều trị mang lại kết quả tối ưu nhất.